Hỏi đáp

Câu lạc bộ Sinh viên Tâm lý: Khám phá sự gắn bó trong mối quan hệ

Huy Erick

Trong cuộc sống, chúng ta tạo dựng mối quan hệ và gắn bó với những người xung quanh. Nhưng bạn có biết rằng có những kiểu gắn bó khác nhau và chúng có ảnh hưởng...

Trong cuộc sống, chúng ta tạo dựng mối quan hệ và gắn bó với những người xung quanh. Nhưng bạn có biết rằng có những kiểu gắn bó khác nhau và chúng có ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống của chúng ta không? Hôm nay, chúng ta sẽ cùng khám phá về các kiểu gắn bó này và hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của chúng.

Gắn bó là gì?

Gắn bó là một mối quan hệ cảm xúc đặc biệt, trong đó chúng ta trao đi sự thoải mái, quan tâm và hạnh phúc. Nguồn gốc của nghiên cứu về sự gắn bó bắt đầu từ những học thuyết của Freud về tình yêu, nhưng được công nhận là cha đẻ của học thuyết gắn bó là nhà nghiên cứu John Bowlby.

Bowlby nghiên cứu một cách toàn diện về sự gắn bó và miêu tả nó như một "Sự kết nối tâm lý lâu dài giữa con người". Ông tin rằng các trải nghiệm đầu thời thơ ấu quan trọng trong việc tác động đến sự phát triển và hành vi sau này. Những kiểu gắn bó ban đầu khi còn nhỏ được thiết lập thông qua mối quan hệ trẻ sơ sinh/người chăm sóc.

Bên cạnh đó, Bowlby cũng tin rằng sự gắn bó có một yếu tố có tính tiến hóa, giúp con người sống sót. Ông giải thích rằng "Thiên hướng thiết lập những mối quan hệ cảm xúc mạnh mẽ với những cá nhân cụ thể là một phần cơ bản trong bản chất con người".

Theo Bowlby, có bốn đặc điểm tiêu biểu của sự gắn bó:

  • Duy trì sự gần gũi - mong muốn được ở gần người mà ta gắn bó.
  • Nơi trú ẩn an toàn - quay về với đối tượng gắn bó vì sự an toàn và an ủi khi đối mặt với một nỗi sợ hay mối đe dọa.
  • Nền móng đảm bảo- đối tượng gắn bó đóng vai trò như một nền móng an toàn để từ đó đứa trẻ có thể khám phá thế giới xung quanh.
  • Nỗi lo âu chia cách - lo lắng xuất hiện khi vắng mặt đối tượng gắn bó.

Bowlby cũng đưa ra 3 định đề chính về học thuyết gắn bó. Đầu tiên, ông cho rằng khi những đứa trẻ được nuôi lớn với sự tin tưởng rằng người chăm sóc đầu tiên của chúng sẽ luôn ở bên chúng, chúng có ít khả năng trải nghiệm sợ hãi hơn những đứa trẻ được nuôi lớn nhưng không có niềm tin như thế.

Thứ hai, ông tin rằng sự tin tưởng này được tạo dựng trong một giai đoạn then chốt của sự phát triển, trong những năm đầu đời, tuổi thơ ấu và tuổi niên thiếu. Những trông đợi được hình thành trong giai đoạn đó có xu hướng duy trì một cách tương đối trong phần đời còn lại của một người.

Cuối cùng, ông cho rằng những trông đợi này được hình thành gắn kết trực tiếp với trải nghiệm. Nói cách khác, những đứa trẻ phát triển những kỳ vọng rằng người chăm sóc chúng sẽ sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của chúng, vì từ kinh nghiệm, người chăm sóc đã tích cực đáp lại chúng trong quá khứ.

Các kiểu gắn bó

Trong những năm 1970, nhà tâm lý học Mary Ainsworth tiếp tục nghiên cứu về sự gắn bó dựa trên công trình đột phá của Bowlby. Cô tạo ra nghiên cứu "Tình huống lạ lẫm" nổi tiếng, trong đó quan sát những đứa trẻ phản ứng với tình huống chúng bị bỏ lại một mình trong một thời gian ngắn rồi sau đó đoàn tụ với mẹ.

Các kết quả của nghiên cứu này cho thấy có ba kiểu gắn bó chính: gắn bó an toàn, gắn bó không an toàn - nước đôi và gắn bó không an toàn - tránh né. Nghiên cứu bổ sung sau đó đã thêm một kiểu gắn bó thứ tư được gọi là kiểu gắn bó không an toàn - rối loạn chức năng.

Trước khi chúng ta bắt đầu nói về kiểu gắn bó trong các mối quan hệ người lớn, hãy nhớ rằng những kiểu gắn bó ban đầu khác với các kiểu gắn bó lãng mạn khi chúng ta trưởng thành. Có một khoảng thời gian dài trôi qua giữa tuổi thơ ấu và tuổi trưởng thành, vì thế những trải nghiệm trong khoảng giữa này cũng đóng một vai trò quan trọng trong kiểu gắn bó khi trưởng thành.

Người được mô tả là gắn bó nước đôi hoặc tránh né trong thời thơ ấu có thể trở nên gắn bó an toàn khi trưởng thành, trong khi những người có sự gắn bó an toàn trong thời thơ ấu có thể thể hiện các dạng gắn bó không an toàn ở tuổi trưởng thành. Bản tính cũng được cho là đóng một phần trong sự gắn bó.

Vậy thì các yếu tố như ly dị hoặc bất hòa của cha mẹ có thể đóng vai trò gì trong việc hình thành các kiểu gắn bó? Trong một nghiên cứu, Hazan và Shaver cho thấy việc ly dị của cha mẹ không liên quan đến phong cách gắn bó. Thay vào đó, nghiên cứu của họ chỉ ra rằng tốt nhất cho kiểu gắn bó khi trưởng thành là nhận thức của con người về chất lượng mối quan hệ của họ với cha mẹ, cũng như mối quan hệ của cha mẹ với nhau.

Mặc dù việc hình thành kiểu gắn bó an toàn với những người chăm sóc là điều bình thường và có thể đoán trước, nhưng điều đó không phải lúc nào cũng xảy ra. Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy một vài yếu tố khác nhau góp phần vào sự phát triển (hoặc sự thiếu hụt) của mối quan hệ gắn bó an toàn, đặc biệt là khả năng đáp ứng của người mẹ đối với nhu cầu của trẻ sơ sinh trong năm đầu đời của trẻ. Những bà mẹ phản ứng không nhất quán hoặc hay xen vào các hoạt động của trẻ có xu hướng làm cho những đứa trẻ trở nên ít khám phá, khóc nhiều hơn và lo lắng hơn. Những bà mẹ luôn từ chối hoặc phớt lờ nhu cầu của trẻ có xu hướng khiến cho những đứa trẻ trở nên cố gắng tránh né việc tiếp xúc.

Khi trưởng thành, đối với những người gắn bó an toàn thường có mối quan hệ lâu dài, tin cậy. Các đặc điểm chính khác của các cá nhân gắn bó an toàn bao gồm lòng tự trọng cao, thích các mối quan hệ thân mật, tìm kiếm sự hỗ trợ xã hội và có khả năng chia sẻ cảm xúc với người khác.

Trong một nghiên cứu, các nhà nghiên cứu tìm ra rằng phụ nữ có kiểu gắn bó an toàn có nhiều cảm xúc tích cực về mối quan hệ thân mật của họ hơn so với những phụ nữ khác có kiểu gắn bó không an toàn.

Có bao nhiêu người tự phân loại mình là gắn bó an toàn? Trong một nghiên cứu kinh điển của Hazan và Shaver, 56% số người được hỏi tự nhận mình là gắn bó an toàn, trong khi 25% được xác định là gắn bó tránh né và 19% là gắn bó nước đôi / lo âu.

Người có kiểu gắn bó nước đôi có xu hướng cực kỳ nghi ngờ người lạ. Họ biểu lộ sự lo lắng đáng kể khi bị tách khỏi cha mẹ hoặc người chăm sóc, nhưng dường như không thể được trấn an hoặc dỗ dành bằng sự trở lại của cha mẹ. Trong một số trường hợp, người có kiểu gắn bó nước đôi có thể từ chối sự dỗ dành từ cha mẹ hoặc thể hiện sự gây hấn trực tiếp đối với cha mẹ.

Người có kiểu gắn bó tránh né có xu hướng tránh cha mẹ và người chăm sóc. Sự tránh né này thường trở nên đặc biệt rõ rệt sau một thời gian vắng mặt. Họ có thể không từ chối sự chú ý từ cha mẹ, nhưng cũng không tìm kiếm sự dỗ dành hay tiếp xúc. Người có kiểu gắn bó tránh né không có biểu hiện gì về việc yêu thích cha mẹ hơn một người hoàn toàn xa lạ.

Trẻ em với kiểu gắn bó không an toàn - rối loạn chức năng cho thấy thiếu hành vi gắn bó rõ ràng. Hành động và phản ứng của chúng đối với người chăm sóc thường là sự pha trộn của các hành vi, bao gồm cả tránh né hoặc phản kháng. Những đứa trẻ này được mô tả là biểu hiện hành vi sững sờ, đôi khi có vẻ bối rối hoặc e ngại khi có người chăm sóc.

Mặc dù các kiểu gắn kết lãng mạn ở người lớn có thể không chính xác tương ứng với các kiểu gắn kết thời thơ ấu, nhưng không nghi ngờ rằng các mối quan hệ đầu tiên của chúng ta với người chăm sóc có đóng vai trò trong quá trình phát triển. Bằng cách hiểu rõ hơn về vai trò của sự gắn bó, bạn có thể có được sự đánh giá tốt hơn về kiểu gắn bó đầu tiên trong cuộc đời của bạn có thể tác động như thế nào đến các mối quan hệ khi trưởng thành.

Nguồn:

  • Kendra Cherry, The Different Types of Attachment Styles
  • Bowlby, J. A Secure Base: Clinical Applications of Attachment Theory. London: Routledge; 2012.
  • Salter, MD, Ainsworth, MC, Blehar, EW, & Wall, SN. Patterns of Attachment: A Psychological Study of the Strange Situation. New York: Taylor & Francis; 2015.
  • https://www.verywellmind.com/attachment-styles-2795344

Người dịch: Hoàng Diệu Người edit: Bùi Minh Đức Design: Phạm Nguyễn Thu Hoa

1