Doanh nghiệp xã hội (DNXH) là một khái niệm gây tranh cãi, nhưng không thể phủ nhận rằng DNXH đem lại giá trị cho cả doanh nghiệp và cộng đồng. Tuy nhiên, khởi nghiệp và hoạt động DNXH đòi hỏi nỗ lực gấp trăm lần vì phải cân nhắc lợi ích của các bên liên quan và duy trì cam kết với cộng đồng.
Một trong những lý do gây thất bại cho DNXH là thiếu một mô hình kinh doanh bền vững. Mặc dù đa số doanh nghiệp khởi nghiệp DNXH xuất phát từ mục tiêu tốt đẹp và gắn bó với vấn đề xã hội, nhưng việc xác định cách kiếm tiền và tác động đến ai là một thách thức lớn. Để tạo nên một DNXH thành công, việc xây dựng một mô hình kinh doanh canvas cho doanh nghiệp xã hội trở nên cần thiết.
Bắt đầu từ mô hình kinh doanh thông thường
Mô hình kinh doanh canvas đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều doanh nhân và doanh nghiệp nhờ tính đơn giản và trực quan. Mô hình này chỉ ra những vấn đề quan trọng và giá trị mà doanh nghiệp mang lại. Với một Bản mô hình kinh doanh canvas, toàn bộ nhân viên và nhà đầu tư có thể nắm bắt nhanh chóng cách thức kinh doanh và mô hình kinh doanh của doanh nghiệp. Điều quan trọng là DNXH không chỉ phụ thuộc vào tài trợ, mà cần có một câu chuyện kinh doanh rõ ràng dựa trên chín yếu tố chính sau đây:
-
Tuyên bố giá trị: Xác định giá trị khác biệt của doanh nghiệp, những gì bạn mang lại cho khách hàng và cộng đồng. Điều này đòi hỏi bạn lựa chọn một trong 11 tiêu chí như tính mới, hiệu quả, khả năng tùy biến, giải quyết vấn đề, thiết kế, thương hiệu, giá cả, tiết kiệm chi phí, giảm thiểu rủi ro, khả năng tiếp cận, tiện ích/khả dụng.
-
Phân khúc khách hàng: Xác định rõ loại khách hàng bạn nhắm đến và số lượng khách hàng trong từng phân khúc. Hãy trả lời câu hỏi : Bạn đang tạo giá trị cho ai?
-
Kênh tiếp cận khách hàng: Chọn các kênh tiếp cận khách hàng phù hợp để tăng nhận thức, đánh giá giá trị, mua hàng và mang lại giá trị cho khách hàng.
-
Nguồn doanh thu: Xác định các nguồn doanh thu của doanh nghiệp và tỉ trọng mỗi nguồn doanh thu trong tổng doanh thu.
-
Quan hệ khách hàng: Mô tả cách duy trì quan hệ với khách hàng, từ hỗ trợ cá nhân đến tạo ra giá trị mới thông qua dịch vụ và cộng đồng.
-
Hoạt động chính: Chỉ ra các hoạt động chính để vận hành mô hình kinh doanh, từ tuyên bố giá trị đến quan hệ khách hàng và dòng doanh thu.
-
Nguồn lực chính: Xác định tài sản con người, giải pháp kỹ thuật, sở hữu trí tuệ và tài chính là những nguồn lực quan trọng.
-
Cấu trúc chi phí: Đặt ra các chi phí và đầu vào cần thiết cho hoạt động kinh doanh.
-
Đối tác chính: Liệt kê các đối tác quan trọng của doanh nghiệp.
Sự khác biệt của Doanh nghiệp xã hội
Để thể hiện giá trị phi vật chất của DNXH, bạn cần đặc biệt lưu ý hai yếu tố chính:
-
Phân khúc khách hàng: Xác định rõ ai là khách hàng quan trọng và những bên liên quan đến giá trị bạn mang lại.
-
Tác động: Mô tả các khác biệt mà DNXH tạo ra đối với xã hội, môi trường và các bên liên quan khác. Đặt câu hỏi: Bạn định thay đổi điều gì và ai là nhân vật trung tâm trong câu chuyện thay đổi đó.
Việc xây dựng một mô hình kinh doanh tốt sẽ giúp bạn truyền thông hiệu quả đến các bên liên quan trong câu chuyện kinh doanh của bạn. Với mô hình kinh doanh được vẽ ra, nhà đầu tư, nhà tài trợ, nhân viên và đối tác có thể dễ dàng hiểu bạn đang làm gì. Ba yếu tố quan trọng bạn nên chú trọng và hoàn thiện trước khi tìm hiểu và viết về các yếu tố khác là: tuyên bố giá trị, phân khúc khách hàng và dòng doanh thu.
Cuối cùng, sự tham gia của lãnh đạo và quản lý cấp cao trong toàn bộ doanh nghiệp là yếu tố quan trọng nhất để mô hình kinh doanh trở nên hiệu quả. Mô hình kinh doanh không nên chỉ là sản phẩm của một người, mà cần sự tham gia từ các phòng ban khác nhau. Chỉ khi đó, mô hình kinh doanh mới có thể thể hiện tầm nhìn tổng thể và thích nghi với thực tế kinh doanh.
Nguyễn Đặng Tuấn Minh - Quản lý & Đồng sáng lập KisStartup