Bài tập

Tính đóng gói trong OOP – Lập trình hướng đối tượng: Chi tiết và ý nghĩa

Huy Erick

Đóng gói có thể hiểu là đưa dữ liệu và phương thức vào trong một lớp. Lập trình hướng đối tượng (OOP) có nhiều khái niệm cơ bản, nhưng tính đóng gói là một trong...

Đóng gói có thể hiểu là đưa dữ liệu và phương thức vào trong một lớp.

Lập trình hướng đối tượng (OOP) có nhiều khái niệm cơ bản, nhưng tính đóng gói là một trong những khái niệm quan trọng mà nhiều lập trình viên thường bỏ qua. Để giúp bạn hiểu rõ hơn về tính đóng gói trong OOP, bài viết này sẽ điểm qua những thông tin cần thiết và ý nghĩa của nó.

Tính đóng gói trong OOP là gì?

Tính đóng gói (Encapsulation) là một trong bốn tính chất căn bản của Lập trình hướng đối tượng (OOP). Ngoài tính đóng gói, OOP còn bao gồm tính đa hình (Polymorphism), tính kế thừa (Inheritance) và tính trừu tượng (Abstraction).

Một cách dễ hiểu, "đóng gói" trong OOP có nghĩa là đưa tất cả thông tin và dữ liệu cần thiết vào bên trong một đối tượng. Khi đối tượng được tạo từ một lớp, dữ liệu và phương thức đã được đóng gói trong đối tượng đó. Khi sử dụng, ta chỉ cần gọi tên phương thức mà không cần truy xuất đến dữ liệu bên trong.

Mục tiêu của Tính đóng gói trong OOP

Trong tư duy lập trình, việc lấy thông tin từ bên trong đối tượng để phục vụ cho một hành động bên ngoài không được coi là cách viết mã hay. Do đó, tính đóng gói được sử dụng để che giấu dữ liệu bên trong của một đối tượng và chặn quyền truy cập trực tiếp đến các phần tử bên trong.

Lập trình viên có thể tận dụng tính đóng gói để bảo vệ dữ liệu bên trong của đối tượng. Dữ liệu này không thể bị sửa đổi bất ngờ bởi mã lệnh bên ngoài từ các phần khác của chương trình.

Tính đóng gói (Encapsulation)

Lợi ích của Tính đóng gói

Tính đóng gói trong OOP mang lại một số lợi ích như sau:

  • Tính linh hoạt: Mã được đóng gói linh động và dễ sửa đổi hơn so với những đoạn mã độc lập.
  • Khả năng tái sử dụng: Mã đã đóng gói có thể tái sử dụng trong một hoặc nhiều phần mềm khác nhau. Người dùng có thể chuyển từ sử dụng một đối tượng này sang một đối tượng khác mà không cần thay đổi mã, vì cả hai đối tượng đều có giao diện tương tự.
  • Khả năng bảo trì: Mã được đóng gói trong các phần riêng biệt như lớp, phương thức, giao diện, giúp thay đổi hoặc cập nhật một phần của phần mềm mà không ảnh hưởng đến các phần còn lại. Điều này giúp giảm công sức và tiết kiệm thời gian cho các nhà phát triển.
  • Khả năng kiểm thử: Với một lớp được đóng gói, tester có thể viết các bài kiểm thử dễ dàng hơn. Các thành viên của nhóm tập trung ở một nơi duy nhất, giúp kiểm thử viên tiết kiệm thời gian và công sức.

Ví dụ minh hoạ

Hãy tưởng tượng khi bị bệnh, chúng ta đi đến bệnh viện để khám. Sau khi khám, bác sĩ cho chúng ta biết chúng ta bị cảm cúm và kê cho chúng ta một đơn thuốc, trong đó liệt kê các loại thuốc, liều lượng và thời gian uống thuốc.

Đọc đơn thuốc, chúng ta chỉ biết có các loại thuốc và liều lượng của mỗi loại thuốc, cùng với thời điểm nào phải uống. Nếu uống đúng loại thuốc, đúng liều lượng và đúng thời gian, chúng ta sẽ khỏi cảm cúm, nhưng chúng ta không biết rõ bên trong mỗi loại thuốc chứa những thành phần gì, tại sao phải uống theo liều lượng đó, hoặc tại sao phải uống vào thời gian được chỉ định.

Đứng trên cương vị là một lập trình viên, ta có thể hiểu đơn giản như sau:

Có một lớp có tên là DieuTriCamCum{}. Trong lớp này, dữ liệu là các loại thuốc và các hàm/phương thức là liều lượng và thời gian uống thuốc.

Tổng kết

Với bài viết này, chúng ta đã hiểu rõ hơn về tính đóng gói trong lập trình hướng đối tượng (OOP). Tính đóng gói là một trong những tính chất đặc trưng của OOP và có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển phần mềm. Hi vọng bài viết này đã giúp bạn hiểu hơn về tính đóng gói và cách áp dụng nó vào công việc lập trình của mình.

Nhật Minh - Tổng hợp và bổ sung

1