Khi nhận được một email mời phỏng vấn, chắc hẳn bạn sẽ rất vui. Tuy nhiên, đừng vui quá mà quên mất nhiệm vụ của mình. Hãy nhớ gửi lại một email cảm ơn và xác nhận thời gian phỏng vấn để thể hiện sự chuyên nghiệp của mình. Dưới đây là một số cách trả lời thư mời phỏng vấn "sang, xịn, mịn" mà bạn có thể tham khảo:
1. Bố cục và cách trả lời mail xác nhận phỏng vấn
1.1. Tiêu đề
Tiêu đề là một phần cực kỳ quan trọng để quyết định việc email có được đọc hay là sẽ bị xếp xó và thùng rác. Vì vậy, khi viết tiêu đề mail xác nhận, bạn cần có các nội dung cơ bản như tên, vị trí ứng tuyển, mục đích ngắn gọn.
Ngoài ra, việc đặt tiêu đề email còn thể hiện bạn là người làm việc chuyên nghiệp, lịch sự và tôn trọng nhà tuyển dụng. Đó sẽ là một điểm cộng lớn trong mắt họ đấy.
Tiêu đề bạn nên để [Họ và tên] - [Vị trí ứng tuyển] - [Xác nhận/Từ chối thư mời phỏng vấn].
Tiêu đề cần ghi ngắn gọn, rõ ràng và súc tích để nhà tuyển dụng nắm được thông tin cơ bản và sắp xếp thời gian phỏng vấn đúng lịch hẹn và thuận tiện cho cả hai bên.
1.2. Lời chào trang trọng
"Lời chào cao hơn mâm cỗ", ông bà xưa nói không sai. Một lời chào lịch sự, trang trọng sẽ khiến nhà tuyển dụng hài lòng và có ấn tượng tốt với bạn ngay từ khi chưa gặp mặt.
Hãy mở đầu bằng lời chào trân trọng và thân thiện đến người gửi email phỏng vấn. Nếu biết rõ tên của người gửi email, hãy thêm trực tiếp vào như Chào chị Hương, Dear chị Mai..
Còn nếu không biết thì bạn nên tránh, chỉ cần ghi chung chung như "Kính gửi phòng tuyển dụng công ty ABC", Đừng ghi tên hoặc giới tính của nhà tuyển dụng nếu bạn không biết rõ. Điều này sẽ khiến bạn "dễ dàng" nhận điểm trừ ngay.
1.3. Lý do viết thư
Mở đầu phần viết thư, bạn hãy gửi cho nhà tuyển dụng lời cảm ơn vì họ đã cân nhắc và để ý đến CV của bạn. Chỉ một câu cám ơn ngắn mà bạn đã có thể tạo cho họ sự thoải mái và hài lòng khi đọc thư.
Tiếp đến, bạn sẽ xác nhận rằng mình có đồng ý với thời gian phỏng vấn hay không. Nếu không, hãy nói rõ thời gian bạn có thể sắp xếp được để nhà tuyển dụng biết.
Trong trường hợp bạn muốn từ chối buổi phỏng vấn này vì đã có cơ hội khác hoặc là cảm thấy bản thân không phù hợp với vị trí này nữa thì cũng nên nói cho nhà tuyển dụng biết ở đoạn này để họ không phải trông chờ và kiếm ứng viên khác.
Ví dụ:
- "Cảm ơn vì cơ hội phỏng vấn.."
- "Tôi viết thư này nhằm xác nhận chắc chắn sẽ tham gia buổi phỏng vấn"
1.4. Những yêu cầu/ câu hỏi thêm (nếu có)
Phần này dành cho những thắc mắc riêng của bạn về một số thông tin mà bạn nghĩ rằng nó sẽ cần thiết cho buổi phỏng vấn.
Ngoài ra, nếu trong thư mời phỏng vấn, bạn không thấy các thông tin về thời gian, địa điểm thì hãy nhớ hỏi ngay lại ở phần này nhé. Nếu không có thời gian cụ thể, hãy chủ động đề xuất một vài mốc thời gian phù hợp xem họ có đồng ý không.
Thêm vào đó, bạn cũng nên hỏi xem họ có cần thêm thông tin hay giấy tờ gì của bạn vào trước hay trong buổi phỏng vấn hay không để cung cấp và chuẩn bị cho chu đáo.
1.5. Lời cảm ơn
Luôn đảm bảo rằng thư trả lời phỏng vấn của bạn có lời cảm ơn để họ thấy sự chân thành của bạn nhé!
Ở phần này ngoài lời cảm ơn, bạn có thể kèm theo lời hứa sẽ đến đúng giờ.
Ví dụ: ”Em cảm ơn và sẽ đến phỏng vấn đúng giờ ạ”. Hoặc nếu muốn trang trọng có thể kết bằng vài từ sau: “trân trọng”, “thân mến”, “Cảm ơn về cơ hội được mời tham gia buổi phỏng vấn…”
1.6. Chữ ký và thông tin cá nhân
Cuối cùng, đừng quên chữ ký và thông tin cá nhân của mình nhé. Nó là thứ thể hiện sự chuyên nghiệp của bạn cũng như để nhà tuyển dụng nhanh chóng liên lạc với bạn khi cần.
Trên đây là những cách trả lời thư mời phỏng vấn "sang, xịn, mịn" mà bạn có thể tham khảo. Hãy chắc chắn rằng email của bạn truyền tải đầy đủ thông tin và sự chân thành để tạo ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng. Chúc bạn thành công trong việc tìm kiếm công việc mới!