Xem thêm

Mobile Developer: Con đường trở thành Mobile Developer từ con số 0

Huy Erick
Thông qua thống kê từ trang Statista, chúng ta có thể thấy rằng đến đầu năm 2023, tổng số người dùng smartphone trên toàn cầu sẽ đạt tới con số 6.92 tỷ người, tức là...

Thông qua thống kê từ trang Statista, chúng ta có thể thấy rằng đến đầu năm 2023, tổng số người dùng smartphone trên toàn cầu sẽ đạt tới con số 6.92 tỷ người, tức là 86.34% dân số thế giới sở hữu smartphone. Với nhu cầu ngày càng tăng về ứng dụng di động, lĩnh vực lập trình ứng dụng di động - Mobile Developer đã trở thành một ngành nghề hot với nhu cầu tuyển dụng khá lớn. Bài viết hôm nay, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về ngành này cũng như lộ trình để trở thành một lập trình viên ứng dụng di động.

Mobile Developer là gì?

Mobile Developer là những lập trình viên phát triển các ứng dụng dành cho các thiết bị di động, đặc biệt là các ứng dụng trên smartphone với hai nền tảng chính là Android và iOS. Các hệ điều hành chạy trên smartphone đều được trang bị các công cụ (SDK, IDE) và ngôn ngữ lập trình để nhà phát triển tạo ra ứng dụng của mình. Ví dụ: Android sử dụng Java hoặc Kotlin, iOS sử dụng Objective-C hoặc Swift. Ngoài ra, có các thư viện hay framework và ngôn ngữ khác nhau giúp tạo ra ứng dụng đa nền tảng như React Native viết bằng JavaScript, Flutter viết bằng Dart,... Nhiệm vụ của lập trình viên di động là nắm vững kiến thức về lập trình và sử dụng các công nghệ, ngôn ngữ, thư viện phù hợp để tạo ra những ứng dụng theo yêu cầu.

Mobile Developer là gì? Mobile Developer là gì?

Mô tả công việc của một lập trình viên di động:

  • Tham gia thiết kế và xây dựng phần mềm dựa trên ý tưởng, nhu cầu của người dùng và kinh nghiệm phát triển ứng dụng di động.
  • Viết mã lập trình để xây dựng giao diện và các tính năng cho ứng dụng theo yêu cầu của khách hàng.
  • Tham gia chạy và kiểm thử ứng dụng trên các thiết bị và phần mềm giả lập.
  • Sửa chữa và nâng cấp các lỗi xuất hiện trong quá trình sử dụng ứng dụng.
  • Phát hành ứng dụng lên các nền tảng chợ như Google Play cho Android hoặc AppStore cho iOS.
  • Nghiên cứu các công nghệ mới, cập nhật các phiên bản hệ điều hành, công cụ phát triển để áp dụng vào công việc và hỗ trợ cập nhật phần mềm khi có phiên bản hệ điều hành mới.

Đặc trưng của ngành lập trình di động

So với lập trình web hay desktop, lập trình di động có một số đặc trưng riêng, ảnh hưởng khá lớn đến quyết định trở thành một mobile developer:

  • Làm việc với nhiều thiết bị phần cứng khác nhau: Hiện nay, có vô số các thiết bị smartphone với các kích thước màn hình, cấu hình phần cứng khác nhau. Ứng dụng của bạn phải đảm bảo tương thích với các loại màn hình như tai thỏ, giọt nước, đục lỗ,... điều này gây nhiều thách thức mà trên các thiết bị PC không gặp phải.

  • Tương tác trực tiếp với các thiết bị cảm biến phần cứng: Nếu so sánh với việc làm việc trên PC hoặc các ứng dụng web, việc truy cập và làm việc với các thiết bị ngoại vi như camera, mic, loa mặc dù không thường xuyên nhưng có thể gây ra những khó khăn. Trên smartphone, có hàng chục cảm biến khác nhau từ GPS, cảm biến gia tốc, vân tay, nhận diện khuôn mặt,... yêu cầu người dùng đồng ý quyền truy cập.

  • Phát hành ứng dụng lên các chợ: Để ứng dụng của bạn đến tay người dùng, bạn cần phát hành chúng trên các chợ như Google Play cho Android hoặc AppStore cho iOS để người dùng tìm kiếm và tải về cài đặt. Việc tuân thủ các chính sách và sự cập nhật thường xuyên về hệ điều hành đòi hỏi bạn cần cập nhật ứng dụng để đáp ứng.

Lộ trình trở thành Mobile Developer Lộ trình trở thành Mobile Developer

Lộ trình trở thành Mobile Developer

Với đặc trưng là tạo ra ứng dụng chạy trên nhiều nền tảng hệ điều hành di động khác nhau, chúng ta có hai lựa chọn rõ ràng trong lộ trình trở thành một lập trình viên di động.

Hướng đầu tiên là tập trung phát triển trên một nền tảng duy nhất (single platform):

  • iOS: sử dụng ngôn ngữ Swift, Objective-C trên IDE Xcode và iOS SDK do Apple cung cấp để xây dựng ứng dụng dành riêng cho iOS, chạy trên các thiết bị iPhone, iPad, Mac,...
  • Android: sử dụng ngôn ngữ Java, Kotlin trên IDE Android Studio và Android SDK do Google cung cấp để tạo ra ứng dụng dành riêng cho Android, chạy trên các thiết bị di động sử dụng hệ điều hành Android.

Với hướng này, bạn sẽ nghiên cứu sâu vào từng ngôn ngữ, thư viện được cung cấp trong SDK và tương tác trực tiếp với các thiết bị phần cứng. Ứng dụng của bạn chỉ chạy trên một nền tảng duy nhất và bạn không thể tái sử dụng mã nguồn từ ứng dụng Android để tạo ra ứng dụng tương tự cho iOS. Tuy nhiên, đây cũng là ưu điểm của hướng này, giúp bạn tối ưu hóa ứng dụng của mình.

Hướng thứ hai là phát triển ứng dụng đa nền tảng (cross-platform), tức là có thể tạo ra các ứng dụng chạy trên nhiều nền tảng hệ điều hành khác nhau. Có hai phương pháp phát triển ứng dụng đa nền tảng là Hybrid và Native:

  • Hybrid: các ứng dụng hybrid chủ yếu viết trên nền tảng web sử dụng HTML, CSS và JavaScript. Bằng cách bao bọc ứng dụng bằng trình duyệt, ứng dụng hybrid tạo ra một giao diện duy nhất cho nhiều nền tảng hệ điều hành khác nhau. Có một số framework và thư viện hỗ trợ xây dựng ứng dụng Hybrid như Cordova, Ionic, jQuery Mobile, HTML5,...
  • Native: khác với Hybrid, các ứng dụng Native cho phép bạn viết mã nguồn duy nhất và tạo ra các ứng dụng dành riêng cho từng hệ điều hành khác nhau bằng cách sử dụng công cụ biên dịch. Phương pháp này giúp ứng dụng của bạn có thể tối ưu hơn khi tương tác với phần cứng cụ thể của từng hệ điều hành và tối ưu hiệu năng. Có một số framework như React Native, Flutter, Xamarin hỗ trợ việc phát triển ứng dụng Native.

Ưu điểm của hướng thứ hai là tiết kiệm thời gian, nguồn lực và kinh phí phát triển ứng dụng so với hướng đầu tiên. Tuy nhiên, khả năng tạo ra ứng dụng với trải nghiệm giao diện và hiệu năng tốt nhất dành cho người dùng có thể không cao bằng hướng đầu tiên.

Mobile Developer cần xác định trước lộ trình mình mong muốn ngay từ đầu để lựa chọn học đúng, học đủ và học sâu những kiến thức theo lộ trình. Sau khi thành thạo một trong hai hướng trên, bạn có thể chuyển qua học hướng còn lại để nâng cao khả năng lập trình của mình.

Kết luận

Qua bài viết này, chúng ta đã cùng tìm hiểu về ngành lập trình ứng dụng di động - Mobile Developer và lộ trình, kiến thức cần thiết nếu bạn đang quan tâm đến ngành này. Đây là một ngành nghề hấp dẫn và thú vị, cùng với nhu cầu tuyển dụng cao trên thị trường. Hy vọng bài viết đã giúp bạn có cái nhìn tổng quan và hướng dẫn cho con đường phát triển trong lĩnh vực này.

1