Tính đến năm 2021, đã có khoảng 700 ngôn ngữ lập trình được khám phá và sử dụng trong ngành phần mềm. Tuy nhiên, chỉ có một số ngôn ngữ lập trình mới được thường xuyên ứng dụng vào lĩnh vực công nghệ. Chúng ta hãy cùng điểm qua những ngôn ngữ hot nhất và tại sao chúng lại được ưa chuộng như vậy!
Python
Python là ngôn ngữ ra đời năm 1991 do Guido van Rossum sáng tạo ra và dễ dàng ứng dụng bởi đặc điểm: dễ nhớ, dễ đọc, dễ học của nó. Python nổi bật hơn các ngôn ngữ khác nhờ sự ngắn gọn trong cấu trúc cú pháp, giúp người dùng viết mã lệnh với số lần gõ phím ít nhất. Ngôn ngữ lập trình này được ứng dụng trên nhiều lĩnh vực như làm website, tạo nguyên mẫu phần mềm, khoa học và tính toán, viết tool tự động hóa công việc, khoa học máy tính, IoT, Blockchain, Game... Python được lựa chọn nhiều trên thị trường và phù hợp cho cả người mới học lập trình và các chuyên gia.
JavaScript
Không một lập trình viên phần mềm nào không biết đến JavaScript - ngôn ngữ lập trình được sử dụng chủ yếu trong HTML và website với mục đích phát triển các ứng dụng Internet chạy trên server và client (Chrome, Safari, Firefox, Explorer, Opera,...). JavaScript mang đặc tính thân thiện với hầu hết các trình duyệt web cùng với nhiều cú pháp linh hoạt, giúp tạo lợi ích cho người sử dụng và được xem là một trong những ngôn ngữ lập trình hot nhất năm 2021.
Java
Dù có điểm giống nhau trong tên gọi nhưng Java và JavaScript là hai ngôn ngữ lập trình hoàn toàn khác biệt. Java là ngôn ngữ lập trình tĩnh, hướng đối tượng, hoạt động trên nhiều nền tảng. Nổi bật với ưu điểm "code một lần, chạy mọi nơi", Java vẫn luôn là sự lựa chọn tuyệt vời cho các công ty phần mềm sử dụng trên nhiều ứng dụng như Big Data, Dịch vụ tài chính, Website, Mobile... Java trở thành ngôn ngữ lập trình phổ biến và được yêu thích trong nhiều năm qua.
C# (C Sharp)
C# (hay C Sharp) ra đời vào năm 2000 gắn liền với tên tuổi của Microsoft và để lại dấu ấn ấn tượng trong lĩnh vực phát triển Web và Game. C# được biết đến là ngôn ngữ lập trình đơn giản, hiện đại, hướng đối tượng và xây dựng trên nền tảng hai ngôn ngữ mạnh nhất là C++ và Java. Các tính năng của C# rất đa dạng, dễ dàng cập nhật, mở rộng và tạo sự thuận tiện cho người mới vào nghề cùng với tính bảo mật cao. Ngôn ngữ này cũng chính là tạo đà cho sự khởi đầu của kế hoạch .NET của Microsoft. Dù có tuổi đời lâu năm nhưng C# vẫn luôn là sự lựa chọn hoàn hảo cho phát triển Web, ứng dụng Desktop, Game VR, 2D, 3D.
PHP
PHP (viết tắt đệ quy của PHP: Hypertext Preprocessor) là ngôn ngữ lập trình đa mục đích. Từ mục đích duy trì một trang chủ cá nhân của Rasmus (người tạo nên PHP), đến nay, 83% trong tổng số hơn 10 triệu Web trên thế giới sử dụng ngôn ngữ này. PHP có chức năng tạo ra các trang web động và tĩnh. Các ứng dụng phổ biến sử dụng PHP như Facebook, Yahoo, Mail Chimp.
C/C++
C và C++ là hai ngôn ngữ lập trình khác nhau. C là ngôn ngữ lập trình hướng cấu trúc, ra đời trước C++. C++ là ngôn ngữ lập trình thừa kế, mở rộng từ C. Vì vậy, áp dụng với C đúng thì áp dụng với C++ cũng như vậy. Do có đặc điểm này, nên chúng ta có thể gộp C/C++. C ra mắt vào năm 1970 có đóng góp đáng kể vào phát triển ngành công nghệ phần mềm lúc bấy giờ. Sau đó, C trở thành nguồn cảm hứng cho sự sáng tạo ra Java, C#,... và hữu ích nhất trong việc xây ứng dụng high-performance. C++ được kế thừa từ C nên đã có phần cải tiến tốt hơn, vì vậy các developer muốn viết ứng dụng cao cấp đều cần nhờ đến ngôn ngữ lập trình này để thiết kế. C++ thường được dùng trong VR, Gaming, đồ họa máy tính.
Swift
Cùng với sự kiện ra mắt iPhone của Apple vào năm 2007, Swift được biết đến như "tuyệt chiêu lợi hại" chinh phục cộng đồng người dùng iOS hoặc macOS. Số lượng fan nhà Táo ngày càng tăng, chứng tỏ độ hot của Swift cũng trở nên lớn hơn bao giờ hết. Không chỉ vậy, Swift còn có thể đáp ứng dễ dàng mọi nhu cầu của lập trình viên và được đánh giá cao vì sử dụng nhanh hơn, an toàn hơn, dễ đọc, dễ debug.
Ruby
Được phát hành vào năm 1995 bởi Yukihiro Matsumoto, Ruby mang tính năng định hướng, thân thiện với lập trình viên giúp họ code dễ dàng và vui hơn. Ruby hỗ trợ tạo ra web và các ứng dụng di động. Ruby on Rails (RoR), một framework ứng dụng web mã nguồn được viết bằng Ruby, cho phép chúng chạy như một trang web thực sự. Thay vì phân bổ bộ nhớ theo cách thủ công, các lập trình viên khi dùng Ruby sẽ có một hệ thống quản lý bộ nhớ tự động. Bên cạnh đó, ngôn ngữ này có khả năng thích ứng cao và chấp nhận các bản cập nhật, bản phát hành mới một cách dễ dàng.
Go (Golang)
Go (hay Golang) là ngôn ngữ lập trình được sáng tạo bởi các nhân viên lập trình của Google. Điểm nổi bật giúp Go trở nên ưu việt hơn C++ hay Java nằm ở sự ngắn gọn của nó. Go là một công cụ nhỏ gọn và sắc bén, giúp chương trình vận hành nhanh chóng trong nhiều điều kiện khác nhau cùng với độ tương thích cao, như cách mà thanh tìm kiếm Google đang vận hành trên toàn thế giới. Go lang có "vũ khí" độc quyền mang tên Goroutines, công cụ tích cực giúp giải quyết nhiều vấn đề. Cùng với mutex locking, các cấu trúc dữ liệu sẽ được khóa lại để tránh xung đột giữa việc đọc và ghi nhớ.
SQL
SQL là viết tắt của Structured Query Language, nghĩa là ngôn ngữ truy vấn dữ liệu. SQL là ngôn ngữ chung mà bất kỳ hệ thống cơ sở dữ liệu quan hệ (RDBMS) nào cũng phải đáp ứng, như SQL Server, Oracle Database, MySQL,... SQL có công dụng quản lý hiệu quả, truy vấn thông tin nhanh hơn, giúp bảo trì thông tin dễ dàng hơn trong một hệ thống lưu trữ cơ sở dữ liệu, đặc biệt tại các công ty lớn. SQL thường được sử dụng trong các framework, ứng dụng cơ sở dữ liệu. Các tổ chức lớn với số liệu thống kê, cơ sở dữ liệu khổng lồ như ngân hàng hiện nay thường xuyên bỏ ra số tiền lớn chiêu mộ những lập trình viên thành thạo SQL, đủ để chứng minh độ "hot" của ngôn ngữ lập trình này.
Là một developer, việc định hướng và chọn ngôn ngữ lập trình để theo đuổi là vô cùng quan trọng. Top 10 những ngôn ngữ lập trình trên đều có ưu thế và hạn chế riêng, việc lựa chọn của mỗi lập trình viên dựa trên mục tiêu dự án cụ thể của mỗi người. Hãy tìm hiểu kỹ về ngôn ngữ bạn muốn theo đuổi và tham khảo ý kiến của những người tiền bối trong nghề để đưa ra quyết định chính xác!