Dù lúc ra đi với khí thế hừng hực về một tương lai mới nhưng cuối cùng bạn nhận ra, chẳng có nơi nào tốt hơn công ty cũ. Bạn bắt đầu mơ tưởng về "chuyện tình xưa" và băn khoăn không biết nên quay lại không? Nếu quay lại thì xác suất sẽ được nhận sẽ chiếm bao nhiêu? Chefjob sẽ giúp bạn giải đáp.
Được ảnh: Internet
Có rất nhiều lý do khiến người đi làm quyết định từ bỏ công việc hiện tại: Mức lương, trách nhiệm công việc, quan hệ với sếp và đồng nghiệp, thay đổi mục tiêu,… để đến với "chân trời mới". Tuy nhiên, không phải ai cũng tìm được "bến đỗ" như mong đợi, "bôn ba rải" hồ sơ đến cả chục nhà tuyển dụng, thử việc ở hơn hai chỗ rồi mà vẫn chưa hài lòng.
Rồi bạn nhớ nhung về những tháng ngày ở công ty cũ, bạn nhận ra mình thực sự phù hợp với nơi đó, bạn tiếc nuối và có ý muốn quay lại nhưng lại ngại ngần… không dám thử bởi lúc ra đi bạn đã quyết liệt đến nhường nào. Nếu bạn đang rơi vào tình trạng như trên và không biết cách giải quyết ra sao thì bài viết này đích thị dành cho bạn rồi. Chỉ cần một chút chân thành và "mánh" nhỏ mà Chefjob bật mí dưới đây, bạn sẽ lại xuất hiện ở công ty cũ một lần nữa như "ánh hào quang" mà ai cũng mong chờ.
Được ảnh: Internet
1. Để lại dấu ấn đẹp khi chia tay
Có không ít người nghỉ việc vì bức xúc với quản lý, chính sách đãi ngộ của công ty mà nghỉ việc nên tâm lý không cần giữ hình tượng nhân viên gương mẫu nữa. Họ đi trễ về sớm, mất tập trung vào công việc, hiệu suất lẫn chất lượng giảm sút bởi họ nghĩ rằng, dù thế nào cũng đi rồi. Thế nhưng đây là một hành vi vô cùng sai lầm. Ấn tượng lúc nghỉ việc cũng ấn tượng chẳng kém với khi bạn "chân ướt chân ráo" vào công ty đâu, đừng để cảm xúc chen ngang phá hủy cả một quá trình.
Hãy để lại dấu ấn đẹp đến giờ phút cuối cùng bằng cách hoàn thành tốt công việc được giao; chỉ dẫn, đào tạo cho người mới sẽ thay thế mình ở vị trí này; viết thư cảm ơn đồng nghiệp;… điều này sẽ giúp bạn được đánh giá cao hơn. Không chỉ vậy, bạn còn duy trì mối quan hệ tốt đẹp với đồng nghiệp cũ, nhân sự và cả sếp. Sau này nếu sếp cũ có gặp sếp mới của bạn cũng sẽ dành cho bạn những lời tốt đẹp hay khi muốn quay lại chốn xưa thì bạn vẫn nhận được sự chào đón nhiệt tình từ mọi người.
Xem ngay: Nhảy Việc Cũng Là Một Nghệ Thuật
2. Đừng chấm dứt hết tất cả
Xóa số điện thoại, hủy kết bạn trên mạng xã hội,… đều là những việc hết sức con trẻ mà bạn ĐỪNG nên làm khi rời công ty cũ. Ngoài công việc, Chefjob tin rằng bạn cũng đã có một vài người bạn và mối quan hệ tốt đẹp ở công ty cũ. Vậy thì hà cớ gì bạn phải vứt bỏ toàn bộ mối duyên lành ấy. Hãy duy trì liên lạc với đồng nghiệp cũ vì họ sẽ giúp bạn để mắt tới những vị trí tuyển dụng hấp dẫn nhất, tăng cơ hội quay lại công ty cho bạn đấy.
Được ảnh: Internet
3. Mang trong mình nhiệt huyết và tinh thần càng "sôi sục" hơn
Dù nghỉ việc với những lý do vô thưởng vô phạt hay thực sự không hài lòng về khía cạnh nào đó tại công ty cũ thì trong mắt đồng nghiệp lẫn cấp trên, "lửa" của bạn đã giảm nhiệt đi phần nào. Chính vì vậy, muốn có một cuộc quay về "ngoạn mục", bạn cần chứng minh cho mọi người thấy rằng, nhiệt huyết và tinh thần của bạn đang rất ổn định.
Thêm nữa, mọi người cũng đang nóng lòng muốn nghe bạn bày tỏ lý do vì sao bạn quay lại xem thử có hợp lý với lý do bạn dùng lúc nghỉ hay không, nên hãy chuẩn bị câu trả lời lẫn tinh thần trước đi nhé.
4. Chủ động mở lời
Nếu bạn biết công ty vẫn đang tìm nhân sự mới cho vị trí của bạn, hãy chủ động liên lạc với nhân sự hoặc sếp cũ để đưa ra lời đề nghị. Tuyệt đối không được nhờ đồng nghiệp mở lời rồi chờ đợi nhân sự hay sếp gọi đến vì điều này sẽ làm cho họ cảm thấy bạn không thực sự muốn quay về, bản thân họ cũng chẳng muốn "mất giá" níu kéo bạn đâu. Gửi thư, email hoặc gọi điện trực tiếp đều được, nhớ là chính bạn phải chủ động mở lời trước.
Giờ thì, hãy suy nghĩ thật kỹ càng để biết bản thân có muốn quay lại công ty cũ hay không, nếu có thì hãy "triển" ngay đừng chần chừ kẻo vụt mất cơ hội đấy. Chefjob chúc bạn thành công với kế hoạch quay lại công ty cũ.